Có lớn, có khôn, có đặt chân ra ngoài thì mới hiểu...
Cuộc sống ngoài này tình người nó chật chội lắm, sự chiều chuộng nó ít ỏi lắm, không có phải như ngôi nhà thân thuộc của mình đâu.
Xa nhà thì nhớ, lẽ thường. Trước giờ xa nhà cũng được dăm ba lần, mà nhỏ tới giờ làm gì xa nhà lâu như đi học. Xa càng lâu thì càng nhớ, đi càng lâu càng muốn quay về. Mọi lý do chống chế đều tự ngụy biện, nhằm che giấu sự mềm yếu mà thể hiện lớp vỏ cứng cỏi và mạnh mẽ. Con người ta vốn như vậy.



Từ bỏ tháng hè ít ỏi bên gia đình, chỉ để kiếm thêm vốn sống, cái thứ mà cần phải có nếu muốn tồn tại ngoài cái xã hội khắc nghiệt chật hẹp tình người này.
Từ bỏ tháng hè quay về với gia đình với mong ước góp một ít sức trẻ làm gì đó có ích cho đời.
Ở một số phận khác, nghiệt ngã hơn, từ bỏ tháng hè để tranh thủ kiếm từng đồng mong gửi về cho ba má, lo cho em út và cả bản thân đi học.
Không về nhà, có nhớ không ? Ai kêu không thì làm ơn đừng có về nhà, để rồi đừng có bao giờ nhận ra:
Nhà là nơi để quay về.
Nhà là nơi mình xuất phát.
Nhà là nơi mọi thứ đều vô nghĩa, chỉ có gia đình là thiêng liêng nhất.
Nhà là nơi tràn ngập tình yêu thương (nhưng có những lúc mộng mị không nhận ra điều đó).
Nhà là nơi có sự đợi chờ.
Nhà là nơi con tim gục ngã (không bao giờ gục ngã ngoài cuộc sống).
Nhà là nơi cuộc sống dừng lại bên ngoài cánh cửa, và bên trong cánh cửa là tình yêu.



Nửa đêm nhớ nhà
HCM, 2:16, 04/7/2015
Tính tới thời điểm tui đang ngồi viết cái này thì còn đích xác 30p nữa là sang năm 2015 theo Dương Lịch.
Vậy là còn 1800s cuối cùng để viết vài dòng về năm cũ và viết tiếp vài dòng nữa cho năm mới.


Dù sao cũng gần hết một năm, vui có, buồn có, hỉ có, bi có, lắm thứ cũng có.
Người ta hay ngẫm lại những thứ mình đã làm trong một năm qua, tui cũng không phải ngoại lệ. Nguyên một năm ròng 365 ngày cũng làm biết bao nhiêu là việc.
Nó quá dài, quá nhiều sự kiện, quá nhiều kỷ niệm và quá nhiều nuối tiếc. Kỳ thực mà nói, ngẫm lại mọi thứ sau lưng cũng có cái hay của nó. Bất giác thì ngồi cười rồi lại sầu (khóc cũng nên) nhưng rút ra cho mình kha khá bài học quý giá phải không ? Ngồi ngẫm như thế lại biết được mình đã đánh mất nhiều thứ đúng không ? Phát hiện ra nhiều thứ trước mắt cũng đáng được trân trọng đúng không ? Lại có nhiều thứ lại càng ngày càng rời xa chúng ta có đúng không ?
Ai chả thế :) nhưng vui lên đi, nhìn về phía trước đi, mắt nằm ở phía trước chứ đâu có nằm phía sau. Hết rồi, cái gì nó qua thì cứ để nó qua.
Năm mới rồi, cứ đường hoàng mà tiến về phía trước. Cứ làm những gì mình cảm thấy chính xác với bản thân. Những gì năm cũ không thể thực hiện, hãy để nó cho năm mới, CHÚC MỪNG NĂM MỚI !
Người ta cũng lạ lắm, biết đau, biết buồn, biết tổn thương nhưng vẫn muốn bám víu vào những tình cảm không bao giờ là vĩnh cửu !



Chuyện bắt đầu bởi một tờ giấy nhét trong cây bút bi.
Nó cầm cây bút, lỉnh xuống cuối lớp, ngay chóc cái góc mà nhỏ vẫn ngồi. Đặt cây bút lên bàn, hạ giọng nói nhỏ: "Coi trong cây bút" rồi nhanh chóng sải chân ra ngoài.
Cả chiều hôm ấy, tuyệt nhiên nó không kiếm cớ ngoái lại nhìn nhỏ như mọi hôm. Tan trường là nhanh chóng mang cái cặp chéo qua một bên vai và rời khỏi lớp trước tiên, không nhìn lại nửa cái.
Cả buổi tối nó thẫn thờ, khẽ cười nhạt. Cảm giác đến bất chợt, vui vui, lâng lâng mà hội hộp, khó xử. Nó mang cả hình ảnh nhỏ lẫn tờ giấy vào giấc mơ.

Nhỏ ngạc nhiên, ngước lên nhìn chỉ thấy nó nhanh chóng đi ra ngoài. Nó khuất sau cánh cửa lớp, nhỏ liền vặn nhẹ cây bút ra. Bên trong hoàn toàn rỗng ruột, chỉ duy nhất có tờ giấy nhỏ cuộn tròn, được xé từ cuốn vở của nó. Trên nắn nót ghi có mấy chữ: "Tớ thích cậu"
Nhỏ tròn xoe mắt.
Ừ thì cái tính con gái, rụt rè, nhỏ nhẹ. Nhỏ cảm thấy bất ngờ, hai bên má đã ửng hồng, nhưng trong lòng cũng dâng lên một cảm xúc lạ kỳ, cảm xúc trong sáng của tuổi mới lớn.

Chiều hôm sau, giờ ra chơi sau tiết lịch sử chán ngắt, nó gục trên bàn, ngủ. Bất chợt, cây bút ngày hôm qua đặt ngay lên bàn, trước mặt. Nó ngồi dậy, nhỏ đã đi ra ngoài. Cười thầm một tiếng, cầm cây bút lên, lấy tờ giấy ra. Nó không đọc liền, vẫn cuộn chặt như vậy. Trong lòng ngổn ngang như tơ vò. Liệu nhỏ có mắng nó, có chửi nó, hay nhỏ muốn tránh mặt nó. Nó bần thần một hồi mới từ từ mở ra đọc. Tim nó như muốn bay ra khoảng trời mênh mông ngoài kia hơn. Nó nhận ra nét chữ của nhỏ, tròn tròn, nghiêng nghiêng: "Thôi, lo học đã"
Tim nó không muốn nhảy ra ngoài nữa, chỉ như ai đó bóp chặt lại.

Nó đạp xe về, đạp nhanh lắm. Nó đạp lên dốc thường ngày nhanh không kể được. Tới đỉnh dốc thì thở phì phì rồi. Gió tháng 10 chưa lạnh mà mát mẻ dịu dàng. Nó hưởng cơn gió, lại đạp thẳng. Nó không về nhà, nó đi thẳng xuống dưới một đoạn nữa, khẽ rẽ vô bãi đất trống mênh mông bên con đường. Leo lên gò đất phía trong, dựng xe, ngưng thần ngồi ngó ra đường. Nó biết, nhỏ đi về với đám bạn, trước sau cũng phải đi đường này. Nắng chiều giòn tan, soi mấy cộng cỏ lay động trong gió.

Tối, nó xách xe đạp đi vòng vòng. Nó đã quyết, cầm cưa tới cùng.

Vẫn là lá thư trong cây bút bi, mỗi ngày. Thời gian trả lời nhanh hơn lần đầu tiên. Nó dùng mọi vốn văn học khô khan xúc tích ngắn gọn nhất của nó. Nhỏ thì lúc sợ ba mẹ phát hiện ra. Lúc lại ghi sợ ảnh hưởng đến học tập. Đến tờ giấy lần thứ 7, nhỏ như đã lung lay, trả lời: "Rủi mai mốt thi vô khác trường thì sao".
Nó choáng thật sự. Nó không ngờ lại nhanh đến vậy. Nó thoáng biết nhỏ cũng đồng ý, nhưng khác trường thì sao !?
Nó lặn mất tích 2 ngày liền, lần này nó không dùng cây bút nữa.
Nó viết trên giấy, dài, thổ lộ hết những gì nó muốn. Nó chỉ suy nghĩ một cách rất trẻ con: "Thì cố gắng thi chung vào một trường là xong. Khác lớp cũng đâu xa mấy"
Nó gửi bức thư đi. Chính xác là lại lỉnh xuống cuối lớp, dúi tờ giấy gấp làm tư vào tay nhỏ rồi lại nhanh chóng ra ngoài như lần đầu tiên.

Nó lôi tờ giấy nhỏ trả lại từ trong hộc bàn ra. Chỉ thấy nhỏ ghi một chữ: "Ừ".
Ừ, nó thành công rồi. Nó mừng húm, lần này tim nó chính thức muốn ra khỏi lồng ngực. Cảm giác lâng lâng như cột cả chùm bóng bay trên đầu.

Nhỏ có thói quen hay về trễ. Nó chỉ dành một miếng giấy nhỏ nhỏ hình chữ nhật. Viết in hoa một dòng duy nhất, đưa cho nhỏ rồi dắt xe ra về: "I LOVE YOU FOREVER"




Chuỗi ngày sau đó quả là ngọt ngào không tả xiết. Đôi bên vẫn thư qua từ lại, tuyệt nhiên gặp mặt nhưng rất khó nói. Cái bản tính rụt rè, nhút nhát ngại ngùng của con nít nó vẫn vậy. Trong lớp thì thân thiết nhau hơn nhiều. Vẫn chỉ bài, cười nói. Từ ngày đó, nó chăm chỉ chui xuống cuối lớp trong mỗi giờ ra chơi. Nói chuyện thì khó, nhưng chủ đề bài vở thì dễ hơn nhiều.

Nó cảm thấy rất vui, cực kỳ vui.
Chiều chiều nó ráng ở lại muộn, cùng nhỏ với cái đám bạn của nhỏ đi về. Tính nhỏ hay ung dung từ tốn, lên dốc đó không bao giờ đạp, chỉ dắt bộ. Mặc dù về nhà trễ là bị la, nó cũng chần chừ để về cùng nhỏ. Rốt mấy ngày đó nó không bao giờ quên.

Mấy lá thư cũng biến hóa hơn nhiều.
Từ chỗ chỉ mấy dòng trong mấy mảnh giấy nhỏ, đã trở thành những dòng tâm sự mùi mẫn dài cả trang giấy.
Nó phải khâm phục cách chuyền thư của nhỏ, nó không bao giờ có thể nghĩ ra.
Cũng chỉ là không để cho mấy đứa trong lớp biết, nhỏ dùng cuốn vở, kẹp bên trong. Lúc đầu là vậy, nhưng về sau đã thành như cuốn nhật ký chuyền tay. Nhỏ trang trí, vẽ vời.

Nó vẫn nhớ tờ giấy nhỏ kẹp trong quyển vở. Ghi bằng mực đỏ. Cuối lá thư có ghi mấy dòng: "Tránh mấy đứa trong lớp biết hay là mình dùng mật danh đi ^^", kế đó nhỏ ghi luôn cái tên mà nhỏ tự nghĩ ra cho mình.
Nó về nhà, lấy cuốn từ điển ra, gắng đặt một cái tên thật hoa mỹ, bằng tiếng anh mới chịu cho bằng người bằng ta.

Cái tên đó như là nickname nó hoạt động trên mạng trong suốt 5 năm sau đó, mãi nó mới quyết định dùng cái nickname khác thay thế.

Mùa giáng sinh, nhỏ tự tay làm cái thiệp nho nhỏ, trang trí, chúc mấy câu. Dán ở bìa sau trong mấy cuốn truyện nhỏ mượn của nó. Nó cũng hỏi đứa bạn ngồi chung bàn, gom góp mua cái thiệp giáng sinh, viết dài thiệt dài, bỏ vô cái phong bì trắng, kèm theo một thanh chocolate. Ngày thi học kỳ, nó đưa cho nhỏ rồi tót lên lầu, sau mấy tấm kính xanh dương, khẽ nhìn xuống phòng thi, nhìn nhỏ cầm cái phong bì với thanh chocolate.

Nó hẹn thằng lớp bên cạnh lên lầu hai, dãy nhà mới. Nó vớ được cây chổi tre, nó lao lên như con thiêu thân, nhảy bổ luôn vào thằng kia, thằng bạn thân của nó hồi tiểu học.
Nó chỉ nghĩ, mày muốn cướp nhỏ của tao thì phải phân chia thắng bại với tao cái đã. Nó liều một phen, dẫu biết nếu mà bị bắt đánh nhau trong trường thì nó cũng không có cái kết thúc tốt đẹp.
Cây cán chổi bằng tre sau một hồi dằn co đã bị bẹp ra, cứa ngay vào lòng ngón tay cái của nó một đường dài và sâu. Máu đã đổ.

Quần áo xộc xệch bước vào lớp, tay phải vẫn đang dùng nhúm bông thằng bạn xin được từ phòng y tế đè chặt vào ngón cái tay trái. Nhưng mặt nó vô cùng phấn khơi, dù sao thì nó cũng ra dánh một thằng đàn ông.
(Đàn ông con nít)

Liền mấy tháng sau đó, chiều nào nó cũng đi học sớm, leo lên lầu ba dãy nhà mới, tay cầm cuốn sách, nhưng chỉ để chờ nhỏ dắt xe vào bãi để xe.
Nó vẫn chưng hửng về cái lá thư cuối cùng, dài hai ba trang giấy. Chỉ có một ý mà nó vẫn nhớ tới tận năm sáu năm sau. Chỉ là hời hợt thôi, chỉ là lợi dụng thôi.
Nó đứng trên đó nhìn xuống, nó muốn dắt xe để ngay chóc chỗ nhỏ vẫn để, dưới gốc cây nhãn nhỏ như mấy ngày mấy tháng trước đó.
Nó không hiểu uyên nguyên sâu xa cho lắm, đến tận bây giờ vẫn không hiểu. Nó chỉ biết, từ sau khi thích nhỏ, thủy chung tới tận ngày hôm nay, nó chưa từng thích một ai khác.

Một kết thúc lãng nhách dành cho nó, vô duyên đến lạ kỳ.
Chả hiểu tại sao, mà nó cũng không cần phải biết tại sao.

Vậy đó, con người ta dù biết phũ phàng nhưng vẫn cố bám víu vào một thứ gì đó nhạt nhòa, vốn đã vỡ tan.
Như nó, nó vẫn cố gắng nuôi một tia hy vọng. Nhưng ngày này, nó biết, đã vụn vỡ quá nhiều.
Hãy nói yêu thôi, đừng nói yêu mãi mãi !
Cái cảm xúc trẻ con này, không bao giờ vững được đâu, hoặc chỉ có mình nó nghĩ vậy.
Nó vẫn còn lắm kỷ niệm, chỉ muốn giữ mãi trong lòng. FOREVER vĩnh viễn không có thật đâu !

Nó đã thay đổi nickname ngay khi nó biết khoảng cách là MÃI MÃI !
"Thuở thiếu nhi" đầy vụng dại !
To SooYoung

Noel, 24/12/2014 - Tp Hồ Chí Minh, gửi đi khắp mọi nơi !
Gửi tất cả mọi người, đặc biệt là những con người vẫn đang tất bật với cuộc sống.

Merry Christmas !!!


Không cần phải dài dòng, chỉ là chúc Giáng sinh thôi mà, đâu phải chúc Tết ! Một câu Merry Christmas cũng là quá đủ rồi đúng không !?
Vậy thôi, ngắn gọn xúc tích, Merry Christmas - Giáng sinh an lành. Chúc tất cả những ai đã, đang, sẽ và chưa đọc bài viết này một mùa Giáng sinh ấm áp (nóng cũng được) !

Ừ thì ngày này qua tháng nọ, cái gì tới nó cũng tới, chỉ là mỗi vòng tuần hoàn đều có cái khác riêng của nó. Ai rồi cũng sẽ khác !
Noel rồi cũng sẽ khác !


        Ừ thì năm nay đón Noel ở Sài Thành - cái chốn phồn hoa-đô hội-thị phi-náo nhiệt bậc nhất nước Việt, nơi mà người ta vẫn nói một mét vuông đất có 8 thằng ăn trộm (không liên quan).
        Ừ thì lang thang Phây-búc cũng thấy người ta pose ảnh: "Cũng Noel đồ", cũng có không khí giáng sinh đấy chứ, chỉ là nó trống vắng thế ếu nào đấy.
        Nhớ mấy hồi còn ở đất Kon Tum khỉ ho cò gáy, mùa này, gần Noel, gần Tết, trời nó lạnh tới sun cả cái-mà-ai-cũng-biết-là-gì-đấy, vậy mà ra đường có cảm giác ấm áp lạ thường. Hễ gần Noel thì ra đường cơ man nào là sắc màu Giáng sinh, cửa hiệu bé thì cây thông bé, cửa hiệu lớn hơn thì cây thông lớn hơn, hoặc là vác ông già Noel đủ kiểu dáng ra tạo hình như siêu mẫu Next top Model. Nhà có cửa kính lớn thì dán hoa tuyết cây thông, nhà theo đạo Thiên Chúa giáo thì Hang đá, máng cỏ. Lung linh lộng lẫy lấp la lấp lánh khi về đêm. Đặc biệt là nhạc Giáng sinh thì chỗ nào cũng có, không khí bồn chồn náo nhiệt hơn hẳn.
        Ấy vậy mà mới dời vào chốn kinh đô này có mấy tháng, đếm đi đếm lại thì mười đầu ngón tay cũng đã chưa hết, nó sang trọng thì có thừa, phồn hoa thì có thừa, nhưng mà cận sát ngày Noel mà ra đường thủy chung vẫn chả có không khí cái vẹo gì cả. Vẫn tấp nập, ồn ào, chen chúc như thường nhật, họa chăng có mấy cửa hàng mang đồ trang trí ra hút khách, nhưng mà nó vẫn thiếu thiếu thế quái nào ấy, thiệt khó mà diễn tả.
        Tại nó vốn dĩ như vậy, hay tại mình chưa thấy đủ !?

        Tối hôm trước vác xe loanh quanh với thằng bạn, nó cũng than nhớ nhà, nhớ không khí Noel ở quê nó. Ở đây đông vui thật, nhưng mấy dịp này thì chẳng bằng quê nó. Bảo nó: "Tao cũng thấy vậy, ở quê tao lúc này nó vui lắm, tối tối là phi ngay lên nhà thờ, múa may tập canh thức thì ít, mà bay lên phá sấp nhỏ thì nhiều, haha !"



        Đồng cảnh dễ cảm thông. Thực ra mà nói, Noel mà thiếu cái lạnh thì mười phần đã mất đi bảy tám phần thú vị rồi, lại thêm cuộc sống ở đây nó vô vị nhạt nhẽo lại mất đi hai ba phần nữa, rốt cuộc còn có một phần, là do mình tự nhớ, tự sống trong hoài niệm xưa cũ mà thôi.

        T muốn về nhà, muốn sáng sáng bị gọi dậy khi đang quấn trong chăn, nghe mấy bài nhạc "đặc trưng cho từng dịp trong năm" mà ba hay mở. Muốn về quẩy với đám Lễ sinh bên nhà thờ, pạc-ty xuyên đêm 24, để ngày 25 vật và vật vờ leo lên cung thánh mà cha nói gì con cũng đồng ý !!

        Sài thành, đông là thế, nhưng không có vui, hiện đại là thế, mà thiếu mất cái nồng ấm gần gũi, hay tại xa gia đình nên nó sinh sự, vốn mà ở nhà là lo mà học cho bỏ bu, ấy vậy mà nó có cái vui của nó, đơn giản, thanh thản mà nhẹ nhàng.
        Lớn làm gì, để mà sống với niệm hoài cũ !

MERRY CHRISTMAS (tự chúc)


Cuộc sống là bức tranh luôn tươi mới hay cũ kĩ, điều đó tùy thuộc vào bạn.

 Hãy học cách tô điểm cho cuộc sống của mình tràn đầy hạnh phúc vì khi ấy bạn sẽ thấy cuộc sống thật ý nghĩa…
Bạn khóc hay cười thì đó cũng là cuộc sống, là bức tranh tâm hồn của bạn…
Cuộc sống không phải lúc nào cũng là gam màu sáng mà nó bao trùm cả những gam màu tối tạo nên bức tranh hoàn mĩ, đậm nét…
Buồn, vui hay thành công, thất bại thì cuộc sống của bạn cũng vẫn diễn ra, hãy sống cho thật ý nghĩa, hãy sống như thể hôm nay là ngày cuối cùng tồn tại của bạn.



Hãy F5 để cuộc sống của bạn đỡ nhàm chán nhé…
Hãy tin rằng thất bại không phải là những kẻ thù đáng gờm của chúng ta, thất bại như một người đồng hành để ta tiến nhanh tới đích. Trên chặng đường tiến tới thành công đã có những lần vấp ngã và cả những giọt nước mắt lăn dài, nhưng cuối cùng ta nhận được những nụ cười hạnh phúc.
Khi thất bại hãy nhấn F5 để lập trình lại cho mình những khát khao, những lí tưởng lại hừng hực cháy bỏng nơi con tim. F5 để thấy niềm tin thành công và thấy cuộc sống có ý nghĩa.
Có thất bại và sẽ có thành công, một chân lí không bao giờ ta quên. Phải có niềm tin ta mới có thể nhìn thấy những gì của tương lai, những gì mà chúng ta muốn vươn tới.
Nhấn F5 cho cuộc sống Đừng ngần ngại làm mới cuộc sống, nhấn F5.Nếu là một người yếu đuối hay tự ti thì đó đúng là một sai sót lớn trong cuộc đời bạn. Không phải con người ai cũng hoàn hảo, có người giỏi cái này cái khác, nhưng hãy tự tin lên bạn nhé. Vì bạn là người duy nhất trong cuộc sống này mang những tính cách duy nhất.
Hãy thể hiện bản thân mình và quan trọng hơn là không ngừng nhấn F5 cho cuộc sống để thấy cuộc đời thực sự không vô vị.
Hãy sẻ chia cảm xúc để thấy yêu đời hơn, hiểu mọi người hơn. Hãy luôn F5 cho tình bạn và tình yêu của bạn nhé. Vì yêu thương không phải lúc nào cũng khuôn mẫu thì sẽ đúng cách. Đôi khi những phút giây phá cách lại là nút thắt kéo yêu thương bền chặt và lại gần nhau hơn. Yêu thương là không ngừng sẻ chia và F5 là không ngừng kết chặt yêu thương.
Yêu thương có lúc trao đi mà không cần dừng lại nhưng đôi khi cần dừng lại để ai đó cảm thấy bình yên. Chặng đường tìm kiếm hạnh phúc rất lâu dài và gian truân, có những lữ khách đơn độc vẫn đang đi tìm kiếm nó. Đôi khi cần F5 cho những cảm xúc của mình, quên đi những kỉ niệm buồn trong quá khứ đừng cố lục lọi tìm kiếm những yêu thương vốn dĩ không thuộc về mình, hãy để cảm xúc ấy được sẻ chia và ngày nào đó yêu thương thực sự sẽ gõ cửa trái tim bạn. Sau cơn mưa, trút đi những buồn phiền lo toan trong cuộc sống sẽ xuất hiện cầu vồng và hãy mỉm cười vì cuộc sống rất tươi đẹp như bảy sắc cầu vồng đang tô điểm thêm cho bầu trời xanh kia.
Nhấn F5 để tiếp tục được yêu thương và cảm nhận cuộc sống theo cách riêng của bạn nhé!

Tác giả Live on Faith
           Bao nhiêu tháng vật vờ lang thang khắp các lớp học luyện thi đại học, từ lớp 5 giờ sáng đến lớp kết thúc lúc 9 giờ đêm, chủ yếu là làm mấy ông thầy bà cô thêm lo chứ thấy chả học hành gì mấy. 5 giờ học lý thì gật gật gù gù đi qua nhà cô, vừa đi vừa mơ tiếp giấc mơ dở dang vẫn còn thèm thuồng. Đến tối học a văn về thì tót lên lap ngồi lướt lướt báo mạng chơi game đủ thể loại. Thế mà ếu hiểu trời xui đất khiến thế nào vẫn thi đậu (hên quá xá). Đang xõa vô tư lự thì nhận tin sét đánh, ngày 11 tháng 8 bắt đầu làm thủ tục nhập học. Mới chơi được có 1 tháng, vẫn thấy chưa xi nhê xơ múi gì thì phải cuốn gói vào Sài thành tấp nập, trong khi lũ bạn khốn nạn vẫn thong dong ở nhà sáng cà phê chiều đá bóng, tuần sau đi phượt, ... Thôi kệ, đi thì đi.



           Rạng sáng ngày 11 tháng 8 năm 2014, dân miền núi đặt chân lên đất Sài Gòn. Ngày 12 tháng 8 năm 2014, chính thức trở thành tân sinh viên UIT, sau đó mấy ngày làm gì thì không nhớ lắm, chủ yêu ăn ngủ và đi lang thang khắp trung tâm thành phố.
           Tuần sau đó đúng là thử thách với "trai tân", sinh hoạt công dân đầu khóa và combo 6 bài lý luận chính trị. Phải công nhận là có một số buổi khá (chỉ khá thôi) thú vị, vẫn có những nét cuốn hút không thể xóa nhòa, còn phần còn lại thì lại thấy cái mặt bàn giảng đường nó hút cái mặt mình mạnh hơn nam châm vĩnh cửu. Trong mấy ngày SHCD ráng ngó ngang, ngó dọc, ngó trên, ngó dưới xem xem chúng bạn đồng môn với mình nó tròn méo như thế nào, nhìn quanh quất cũng có vài người quen (cùng phòng thi) phần còn lại thì chưa gặp bao giờ. Cũng có vài người để lại ấn tượng khá rõ, ví dụ như mấy đứa con gái xinh xinh (mà sau này chả thấy đâu), hết ví dụ. Loáng thoáng nghe tin từ giang hồ thì K9 UIT năm nay con gái đông hơn hẳn các năm khác, ấy thế mà đám con trai các khoa đều ngóng Nhân văn nhập học hơn cả. Vậy đó.
           Chương trình học với thời khóa biểu cực kỳ là nhàn hạ, tuần đi học thứ 2,3,4,5, còn thứ 6, thứ 7, chủ nhật ở nhà phá làng phá xóm. Duy chỉ có môn Nhập môn lập trình cực chuối, ngay buổi đầu quất cho bốn chục bài tập lưu đồ, làm biếng về nhà không làm, bữa sau quất thêm chục bài nữa rồi hăm he kiểm tra vở lấy điểm. Cắm mặt vô làm, mà làm không hết. Bữa sau đi học bảo không thu nữa, để làm trên máy 76 bài khác rồi nộp. Với cả môn Giáo dục thể chất, học Công nghệ thông tin nhưng giáo dục thể chất chương trình Đại học Thể dục thể thao ! Vừa nắng, vừa nóng, mong cơn mưa thì lại không cho nghỉ, chạy dăm vòng quanh sân vận động. Vòng đầu thì kẻ trước người sau đều đều, vòng cuối kẻ đi trước ra đằng sau, thằng chạy đằng sau lết lên đằng trước, kết cục bi thảm hơn cả tàn quân Tào sau trận Xích Bích.
          Cái mác Tân sinh viên nó vẫn còn dán dính trên mặt. Ai bảo ĐH là sướng, ĐH khổ lắm cơ. Mấy ngày nay cận đợt kiểm tra giữa kỳ mới thấy sinh viên trong trường tốt lạ. Bắt tay nắm tay thề ước đủ các kiểu: "Anh em sống chết cố gắng giúp đỡ lẫn nhau, dù không sinh cùng ngày cùng tháng cùng năm nhưng nguyện rớt môn cùng năm cùng tháng cùng ngày". Tiệm photo náo nhiệt như chợ hoa, ai cũng ráng mò cho được tài liệu chân truyền, giang hồ dậy sóng. Sau đợt này ắt có kẻ khóc người cười, ai cười ai khóc hồi sau sẽ rõ .
Cái số "tân sinh viên" nó thế, còn nai nai, ngơ ngơ ngác ngác vô trường Đại học, tính ra chỉ toàn học đại, xa nhà, nhớ nhà, vốn lũ con trai, nâu ăn nấu uống gì miễn bỏ vào mồm cho đỡ đói là được. Chờ xem thử hết cái năm nhất này nó có khả khẩm hơn không.
Ngày ngày đi học vẫn ngó ngó USSH, nửa đường bên này UIT, nửa bên kia USSh, cũng lạ !


Phố xa




Mưa về trên khúc hát lắng u buồn đợi bóng hình ai
Như tìm về thoáng hương xa, con đường giờ là kỉ niệm.
Giọt sương lặng lẽ bên em đọng trên đôi mắt vô tư
Để buồn cho con phố nhỏ để một người đến vấn vương.

Đi bên em chiều trên lối vắng
Phố xa phố xa ngỡ như thật gần.
Đôi vai em gầy trong chiếc lá
Giờ là đợi chờ nhớ mong mùa xuân.

Mưa về trên khúc hát lắng u buồn đợi bóng hình ai
Như tìm về giấc mơ xa, mây mờ giờ là kỉ niệm.
Mùa thu lặng lẽ trôi đi mùa đông lạc giữa tình yêu
Xuân về như con nắng hạ bốn mùa mưa vẫn đợi ai

Trên tay em nụ hoa vẫn nở
Phố xa phố xa ngỡ như thật gần
Câu yêu thương chìm trong nỗi nhớ
Mơ về một ngày có mưa êm đềm..

-----------------------------------

 “Trời ơi là trời ! Anh ăn đi cho tôi nhờ, đừng có nhịn ăn sáng nữa. Đừng có dở hơi đi tiết kiệm mấy đồng bạc lẻ thế, anh tưởng rằng thiếu tiền như thế thì tôi chết à ?”. Đó là những “điệp khúc” mẹ cất lên hàng ngày dạo gần đây vì con quyết định nhịn ăn sáng đi học để tiết kiệm chút tiền cho mẹ, cho gia đình. Có lúc mẹ còn gắt lên, hỏi con “Sao cứ phải đắn đo khổ sở về tiền đến thế nhỉ ?” 


        Có lẽ bài văn này đã rất lâu rồi, nhưng xin mạn phép post lại. Hãy đọc và cảm cảm giác của người khác đối với đồng tiền. Họ rất quý trọng đồng tiền nhưng cũng chính vì nó mà họ căm thù nó. Bài văn của một học sinh trình bày quan điểm và vai trò của đồng tiền trong cuộc sống. Bài văn viết rất hay, viết bằng cả tấm lòng chân thực của một người hóc sinh nghèo, một đứa con hiếu thảo !


Thư gửi mẹ.
 Mẹ thân yêu của con !

          “Trời ơi là trời ! Anh ăn đi cho tôi nhờ, đừng có nhịn ăn sáng nữa. Đừng có dở hơi đi tiết kiệm mấy đồng bạc lẻ thế, anh tưởng rằng thiếu tiền như thế thì tôi chết à ?”. Đó là những “điệp khúc” mẹ cất lên hàng ngày dạo gần đây vì con quyết định nhịn ăn sáng đi học để tiết kiệm chút tiền cho mẹ, cho gia đình. Có lúc mẹ còn gắt lên, hỏi con “Sao cứ phải đắn đo khổ sở về tiền đến thế nhỉ ?” .
          Mẹ ơi, những lúc ấy mẹ đang giận nên con không dám cãi lại. Nhưng giờ đây con muốn được bày tỏ lòng mình rằng tại sao con lại có những suy nghĩ, hành động kì lạ như vậy. Vâng, tất cả là vì tiền. Chỉ đến tận bây giờ con mới nhận ra cả một quãng thời gian dài trước đó con đã non nớt, ngây thơ biết chừng nào khi nghĩ về tiền. Cách đây 8 năm bệnh viện đã chuẩn đoán mẹ bị suy thận mãn tính độ 4 (độ cao nhất về suy thận). 8 năm rồi nhà ta đã sống trong túng thiếu bần hàn, vì bố mẹ không kiếm được nhiều tiền lại phải dành tiền cho mẹ đi chạy thận. Nhưng bố mẹ vẫn cho con tất cả những gì có thể, và cậu bé học trò như con cứ vô tư đâu biết lo gì.
          Hồi học tiểu học, tiền bạc đối với con là một cái gì đó rất nhỏ, nó là những tờ giấy với đủ màu có thể dùng để mua cái bánh, cái kẹo, gói xôi hay cái bánh mì … Con đâu có ngờ tiền chính là yếu tố quyết định sinh mạng mẹ mình, là thứ bố mẹ phải hàng ngày chắt bóp và bao người thân gom góp lại để trả cho từng ca lọc máu cho mẹ tại bệnh viện Bạch Mai, là thứ càng làm mẹ thêm đau đầu suy nghĩ khi mẹ buộc phải nghỉ việc làm vì điều kiện sức khỏe không cho phép.
          Rồi đến khi con học lớp 8, mẹ càng ngày càng yếu và mệt, phải tăng từ 2 lên 3 lần lọc máu/ tuần. Những chỗ chích ven tay của mẹ sưng to như hai quả trứng gà, nhiều hôm máu thấm ướt đẫm cả tấm băng gạc. Do ảnh hưởng từ suy thận mà mẹ còn bị thêm viêm phổi và suy tim. Rồi ông lại bị ốm nặng, bố phải nghỉ việc ở nhà trông ông, nhà mình vì thế càng trở nên túng quẫn, mà càng túng thì càng khổ hơn. Tờ một trăm ngàn hồi ấy là một thứ gì đó xa xỉ với nhà mình. Cũng từ dạo ấy, đầu óc non nớt của con mới dần vỡ lẽ ra rằng tiền bạc chính là mồ hôi, nước mắt, là máu (theo đúng nghĩa đen của nó, vì có tiền mới được chạy thận lọc máu mà) và bao nỗi niềm trăn trở lo lắng của bố và mẹ.
          Hôm trước con có hỏi quan điểm của mẹ về tiền bạc thế nào để con có thêm ý viết bài làm văn nghị luận cô giao. Mẹ hơi ngạc nhiên vì câu hỏi đường đột ấy. Rồi mẹ chỉ trả lời với 3 từ gọn lỏn “Mẹ ghét tiền”. Nếu con còn thơ dại như ngày nào, hay như một người ngoài nào khác thì chắc con đã ngạc nhiên lắm. Nhưng giờ đây con cũng đồng ý với mẹ : con cũng ghét tiền. Bởi vì nó mà mẹ phải mệt mỏi rã rời sau mỗi lần đi chạy thận. Mẹ chạy thận 3 lần mỗi tuần, trước đây bố đưa đón mẹ bằng xe đạp nhưng rồi mẹ bảo đi thế khổ cả hai người mà còn phải chờ đợi mất ngày mất buổi của bố nữa nên mẹ chuyển sang đi xe ôm. Nhưng đi xe ôm mất mỗi ngày mấy chục, tốn tiền mà lại chẳng kiếm đâu ra, mẹ quyết định đi xe buýt. Mỗi khi về nhà, mẹ thở hổn hển, mẹ lăn ra giường lịm đi không nói được câu gì. Con và bố cũng biết là lúc ấy không nên hỏi chuyện mà nên để yên cho mẹ nghỉ ngơi. Tám năm rồi, tám năm chứng kiến cảnh ấy nhưng con vẫn chưa bao giờ có thể quên được. Con chỉ biết đứng từ xa nhìn mẹ, và nghiến răng ước “giá như có dăm chục ngàn cho mẹ đi xe ôm thì đâu đến nỗi !”.
          Con bỗng ghét, thù đồng tiền. Con bỗng nhớ hồi trước, khi mẹ vẫn nằm trong viện. Ba người bệnh chen chúc chung nhau một chiếc giường nhỏ trong căn phòng bệnh ngột ngạt và quá tải của bệnh viện Bạch Mai. Con đã ngây thơ hỏi mẹ “Sao mẹ không vào phòng bên kia, ở đấy mỗi người một giường thoải mái lại có quạt chạy vù vù, có tivi nữa ?”. Mẹ chỉ nói khẽ “cha tổ anh. Đấy là phòng dịch vụ con ạ”. Con lúc ấy chẳng hiểu gì. Nhưng rồi con cũng vỡ lẽ ra rằng đó là phòng mà chỉ những ai rủng rỉnh tiền thì mới được vào mà thôi. Còn như mẹ thì không được. Con căm nghét đồng tiền vì thế.
          Con còn sợ đồng tiền nữa. Mẹ hiểu con không ? Con sợ nó vì sợ mất mẹ. Mẹ đã phải bốn lần đi cấp cứu rồi. Những người suy thận lâu có nguy cơ tử vong cao vì huyết áp dễ tăng, máu dồn vào dễ làm tắc ống khí quản và gây tắc thở. Mẹ thừa biết điều này. Nhiều người bạn mẹ quen trong “xóm chạy thận” đã phải chịu những cái kết bi thảm như thế. Nhiều đêm con bỗng choàng tỉnh dậy, mồ hôi đầm đìa mà lạnh toát sống lưng bởi vừa trải qua một cơn ác mộng tồi tệ …
          Con sợ mẹ lại phải đi cấp cứu, và sợ nhỡ nhà mình không đủ tiền để nộp viện phí thì con sẽ mất đi người thân yêu nhất trong cuộc đời này. Mỗi buổi mẹ đi chạy thận là mỗi buổi cả bố và con đều phấp phỏng, bồn chồn, lo lắng. Mẹ về muộn là lòng con nóng như lửa đốt, còn bố thì cứ đi đi lại lại và luôn hỏi “bao giờ mẹ mày mới về?”. Với con cơ hội là 50/50, hoặc là mẹ chạy thận an toàn và về nhà, hoặc là …
Con lo sợ hơn khi đọc báo thấy bảo có người không đủ tiền trả phần ít ỏi chỉ là 5% bảo hiểm y tế, tiền thuốc men mà phải về quê “tự điều trị”. Với những bệnh nhân phải chạy thận, như thế đồng nghĩa là nhận bản án tử hình, không còn đường sống. Con bỗng hoảng sợ tự hỏi nếu không còn BHYT nữa thì sao? Và nếu ông mất thì sao? Chi tiêu hàng ngày nhà mình giờ đây phần nhiều trông chờ vào tiền lương hưu của ông, mà ông thì đã già quá rồi …
          Mẹ ơi, tiền quan trọng đến thế nào với gia đình mình thì chắc mẹ hiểu rõ hơn con. Cứ nghĩ đến tiền là con lại nhớ đến những đêm bố mất ngủ đến rạc cả người, nhớ đến những vết chích ven sưng to như quả trứng gà của mẹ, nhớ đến cả thìa đường pha cốc nước nóng con mang cho mẹ để mẹ uống bồi bổ mỗi tối. Mẹ chắt chiu đến mức sữa ông thọ rẻ tiền mà cũng không mua để tự bồi dưỡng sức khỏe cho mình.
          Con sợ tiền mà lại muốn có tiền. Con ghét tiền mà lại quý tiền nữa mẹ ạ. Con quý tiền và tôn trọng tiền bởi con luôn biết ơn những người hảo tâm đã giúp nhà mình. Từ những nhà sư tốt bụng mời mẹ đến chùa vào cuối tuần, những cô bác ở Hội chữ thập đỏ quyên góp tiền giúp mẹ và gia đình mình. Và cả những người bạn xung quanh con, dù chưa giúp gì được về vật chất, tiền bạc nhưng luôn quan tâm hỏi thăm sức khỏe của mẹ… Nhờ họ mà con cảm thấy ấm lòng hơn, vững tin hơn.
          Con cảm thấy bất lực ghê gớm và rất cắn rứt lương tâm khi mẹ không đồng ý với các kế hoạch của con. Đã có lúc con đòi đi lao động, đi làm gia sư hay đi bán bánh mì “tam giác” như mấy anh sinh viên con quen để kiếm tiền giúp mẹ nhưng mẹ cứ gạt phăng đi. Mẹ cứ một mực “tống” con đến trường và bảo mẹ chỉ cần con học giỏi thôi, con giỏi thì mẹ sẽ khỏe.
          Vâng, con xin nghe lời mẹ. Con vẫn đến trường. Con sẽ cố gắng học thật giỏi để mẹ và bố vui lòng. Nhưng mẹ hãy để con giúp mẹ, con đã nghĩ kĩ rồi, không làm gì thêm được thì con sẽ nhịn ăn sáng để tiết kiệm tiền. Không bán bánh mì được thì con sẽ ăn cơm với muối vừng. Mẹ đừng lo mẹ ạ, mẹ hãy an tâm chạy chữa và chăm sóc cho bản thân mình. Hãy để con được chia sẻ sự túng thiếu tiền bạc cùng bố mẹ. Vậy con khẩn thiết xin mẹ đừng cằn nhằn la mắng con khi con nhịn ăn sáng. Mẹ đừng cấm đoán con khi con đi lấy chầy, cối để giã lạc vừng. Dù con đã sút 8 cân so với năm ngoái nhưng con tin rằng với sự thấu hiểu lẫn nhau giữa những người trong gia đình thì nhà ta vẫn có thể sống yên ổn để đồng tiền không thể đóng vai trò cốt yếu trong việc quyết định hạnh phúc nữa.

Đứa con ngốc nghếch của mẹ
Nguyễn Trung Hiếu

Dòng sông chảy ngược

Trong 5 tỉnh Tây nguyên, duy nhất Kon Tum có dòng sông chảy qua phố thị. Nhưng dòng sông này không trong xanh như bao dòng sông khác, mà đỏ quạch và chảy ngược dòng theo hướng đông - tây.



Theo truyền thuyết người Kon Tum kể lại, thuở xưa dòng sông Đăk Bla còn chảy xuôi hướng tây - đông chứ không chảy nghịch dòng đông - tây như bây giờ. Thế nhưng có một tình yêu thủy chung nhưng đầy nước mắt đã làm cho dòng sông này biến đổi dòng chảy.

Theo sưu tầm của nhà văn Tạ Văn Sỹ (ngụ Kon Tum), chuyện dòng sông chảy ngược có từ ngày xưa, lúc chiến tranh giữa các bộ lạc, sắc tộc còn hoành hành khắp Tây nguyên. Thuở ấy, các buôn làng thường xuyên đưa quân đi đánh phá, cướp bóc lẫn nhau. Làng bên hữu ngạn phía thượng nguồn và làng bên tả ngạn phía hạ nguồn có mối thù không đội trời chung. Oái oăm thay, chàng trai bên này sông và cô gái bên kia sông yêu nhau say đắm. Hai người biết là không bao giờ làng cho họ lấy nhau, mà rời xa nhau thì không thể. Dòng sông vô tình chứng kiến những dòng nước mắt đau buồn của đôi tình nhân trong những đêm hò hẹn. Tuyệt vọng, chàng trai hẹn cô gái vào đêm trăng sáng cùng ra bờ sông phía làng mình đâm dao tự sát nhào xuống sông để cùng trôi về nơi không có hận thù. Dòng máu của chàng trai tuôn ra, trôi xuôi về đông tìm người yêu. Lạ lùng thay, dòng máu cô gái lại ngược dòng chảy, lặng lẽ tìm đến dòng máu chàng trai đang trôi xuống. Khi hai dòng máu gặp nhau, theo tập quán mẫu hệ, máu chàng trai nhập hòa vào máu cô gái và nó lại trôi ngược lại theo hướng dòng máu cô gái đang trôi, cuốn luôn cả dòng sông trở dòng trôi về hướng ấy.

Sáng hôm sau, làng ở đầu sông và làng ở cuối sông vô cùng ngạc nhiên khi thấy con sông thân thuộc bao đời nay bỗng có dòng nước màu đỏ, lại chảy ngược về tây. Khi biết ra sự thật, hai làng thức tỉnh, gạt bỏ hận thù, kết nghĩa anh em, sống hòa hiếu yên lành. Sông từ ấy cứ chảy ngược về tây, không đổi dòng được nữa. Còn dòng chảy trên sông luôn có màu phù sa đỏ quanh năm như bây giờ. Thực ra, dòng Đăk Bla dài 139 km, bắt nguồn từ dãy Ngọc Linh, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum), cũng chảy theo hướng sông ngòi Việt Nam. Thế nhưng khi đến huyện Kon Rẫy, dòng chảy bất thần bẻ ngược theo hướng bắc - nam và đến TP.Kon Tum, dòng chảy Đăk Bla lại thêm lần nữa bẻ dòng theo hướng đông - tây. Có ý kiến cho rằng, dòng sông này vốn hung bạo và chảy ngược, nhưng rồi sẽ hết đi bởi một khi các công trình thủy điện trên sông hoàn tất, khi đó con đập ngăn dòng chia nước về sông Trà sẽ khiến sông Đăk Bla trở thành sông chết như “người anh em” của nó là sông Ba ở Gia Lai. Có lẽ, khi trở thành dòng sông chết, Đăk Bla lại thêm một huyền thoại của đời sau...
***

Cổ tích cây đôi

Trên bờ Đăk Bla thơ mộng có cây si và tơ đáp cộng sinh, ôm cuốn vào nhau như đôi người tình tự. Vì sao cây có hình dáng kiểu này, người Kon Tum cho hay cũng liên quan đến một chuyện tình sắt son nhưng trắc trở. Chuyện kể rằng, thuở chiến tranh bộ tộc, bên kia và bên này sông có hai làng thù nhau dai dẳng. Bất chấp mối thù làng, có đôi trai gái cứ yêu nhau tự nhiên như cây rừng nước suối. Khi biết chuyện, hai làng ngăn cấm.

Một đêm trăng cuối năm, vào mùa ning nơng, chàng trai lẳng lặng rời bỏ hội làng bơi xuồng độc mộc sang bờ gặp người yêu nơi điểm hẹn. Cô gái cũng lặng lẽ rời vòng xoang ra bên bờ đón đợi. Trong cái lạnh rét căm căm của núi rừng, hai người ôm ghì lấy nhau để truyền hơi ấm và cùng nhau than thở duyên tình. Đến khi nghe tiếng gà eo óc gáy, vì sợ người làng thấy, hai người liền biến thành đôi cây quấn sít vào nhau. Chàng thành cây si xòe tán lá xanh mơn, nàng thành cây tơ đáp vươn ngọn lên cao nở những chùm hoa đỏ thắm soi ửng ánh hồng xuống tán lá xanh.

Ngày sống không trọn đời nhưng chết xuống, hai người biến thành hai cây cổ thụ ôm nhau mãi mãi không rời ra. Từ đó về sau, cứ đến mùa tháng 3, cây đôi một gốc hai ngọn này lại tỏa màu hoa đỏ rực, tô thắm góc phố phường bên dòng Đăk Bla, đẹp như chuyện tình đôi trai gái ngày nào. Có không ít hiểu lầm cho rằng màu hoa đỏ là cây pơ lang (hoa gạo), tuy nhiên đây là cây tơ đáp chứ không phải pơ lang.

Cũng gần cây đôi này, trước đây có cây dông to lớn vút trời xanh. Ai đi đâu, về đâu cũng thấy cây đôi và cây dông tỏa mát, thư thái tâm hồn. Ngày trước, dọc theo dãy cây này là nhà làm việc của giới chức Pháp như nhà công sứ, phó công sứ, trại lính, đồn cảnh sát, bưu điện, ngục Kon Tum... Thế nhưng đến bây giờ, mấy cây huyền thoại này không còn nữa. Năm 2012, kỷ niệm 100 năm Kon Tum, chính quyền ở đây đã cắt bỏ mất phần nhô cao của cây tơ đáp, chỉ để lại một bóng si già thấp tè đơn độc buồn thiu như trầm ngâm trong niềm tiếc nhớ. Cây si lẻ bóng cô đơn, ngày càng ủ rũ xác xơ thảm hại và sang năm 2013 thì chết hẳn. Còn cây dông, chính quyền cũng cho chặt đi để mở mang giao thông, làm bùng binh ở cửa ngõ vào TP.Kon Tum. Mọi người tiếc ngẩn ngơ một cảnh quan tự nhiên độc đáo giữa lòng phố xá Kon Tum.

Bây giờ, sông còn đó, tình người còn đây, chỉ có cây đôi là không còn. Mai này cổ tích cây đôi sẽ còn được kể lại cho đời sau, nhưng bóng cây đôi chung thủy theo thời gian trôi mãi mãi vào cổ tích. Và, dòng Đăk Bla với những chuyện tình buồn cũng sẽ không phôi pha, gợi cho hồn du khách nhớ Tây nguyên xanh với những câu chuyện bí ẩn mang chút tơ buồn…

Phạm Anh


Được 1 tháng, tin động trời nữa. Công ty của bố phá sản. Bố nợ chồng chất. Mẹ bứt ra khỏi vỏ ốc của mình để đi vay mượn, bán nhà và đồ đạc, để trả nợ tránh cho bố khỏi bị truy tố.







Nhà có 4 người: bố, mẹ, tôi và em Hà. Từ nhỏ, tôi đã là một đứa con "phá gia chi tử". Không chịu tuân theo những nguyên tắc mà bố đã định ra từ ngày bố lên làm giám đốc. Em Hà xinh, khéo ăn nói và "rất có năng khiếu hội họa" (Đó là lời của bố!). Không một lần nào bố được đi nước ngoài mà lại không mang về cho em Hà những món quà liên quan tới hội hoạ cả. Bố sẳn sàng ném hàng mớ tiền ra chỉ để năng khiếu của em Hà ngày thêm tiến bộ.

Năm tôi mười chín tuổi, em Hà mười tám. Tai họa ập xuống với em Hà. Vụ tai nạn đã gây cho em chấn thương sọ não, dẫn tới thị lực của em suy giảm theo từng ngày. Bố dốc tòan bộ gia sản những mong chữa trị cho em Hà. Song vô ích. Cho tới một ngày, em hỏi tôi về bức tranh em vẽ. Một bức tranh lộn xộn những mảng màu và chẳng hề có một ý nghĩa gì. Tôi nói thẳng với em tất cả những gì tôi nhìn thấy. Em buông bút lông, nức nở khóc. Bố lườm tôi giận gữ. Chỉ vì tôi đã nói thật ư? Tôi đỗ Phân viện Báo chí và ngay hôm sau vào ký túc xá ở. Bố không cản tôi. Em Hà không hề hay biết tôi đi. Được 1 tháng, tin động trời nữa. Công ty của bố phá sản. Bố nợ chồng chất. Mẹ bứt ra khỏi vỏ ốc của mình để đi vay mượn, bán nhà và đồ đạc, để trả nợ tránh cho bố khỏi bị truy tố. Tôi cuống quít trở về nhà...

"Bố bảo em có năng khiếu hội họa. Em sẽ vẽ được một cái gì đấy để có thể bán lấy tiền giúp bố". Em Hà nói và dựng giá vẽ lên. Tôi lại một lần nữa thật thà "Em đâu có nhìn thấy gì mà vẽ?" Em lắc đầu "Em còn trái tim. Em sẽ vẽ bằng trái tim của mình". Tôi quay ra phía bố đang xanh xao gầy rộc hẳn đi. Bố gục đầu xuống đôi bàn tay, lẩm bẩm "Bố có lỗi với em của con, Phan ạ! Bố nói với nó rằng những lọ màu kia bố mới mua...".
Tôi quay lại nhìn em Hà đang say sưa chấm bút vẽ những lọ màu toàn nước lã xếp chung quanh. Em lẩm nhẩm "Màu xanh xếp ở bên này, màu đỏ xếp ở bên này..." Em đâu biết cả hộp màu của em chẳng cần phân loại. Bởi tất cả đều cùng một màu nước lã. Em vẽ bằng trái tim của mình. Và trái tim của em cũng chỉ có một màu vô hình.

Hoàng Anh Tú (Depplus/Mask)

[Video tuần số 1] Đằng sau nụ cười !

Đã bao giờ bạn chấp nhận chỉ đứng ở phía sau, sẵn sàng ôm lấy và chở che cho những gì họ đang nghĩ?
Đã bao giờ bạn chấp nhận đuổi theo họ, để tha thứ cho cái lý trí bướng bỉnh và khiên cưỡng kia?
Đã bao giờ bạn ngừng nói chuyện với ai đó ? Giả vờ hờn dỗi, trách móc?
Đã bao giờ bạn lặng lẽ theo dõi, từng bước, từng bước của họ?

Bạn vẫn cười khi gặp ai đó đang đi bên người khác, nhưng sâu thẳm trong trái tim đơn côi kia là một vết thương to lớn không thể bù đắp được. Giả vờ cười, nhưng nước mắt lại rơi, giả vờ như một người bạn nhưng trong lòng bạn cần nhiều hơn thế...
Mâu thuẫn của tình yêu là sự độ lượng, bất chấp nỗi đau, chỉ mong nhìn thấy ai kia được hạnh phúc.



Gửi đến những ai, đã và đang có một tấm lòng bao dung vĩ đại !